Điện toán đám mây phát triển mạnh trong đại dịch Covid

Đánh giá bài viết!
[0/5 - (0 Votes)]

Đại dịch thúc đẩy ngành công nghệ phát triển vượt bậc và công nghệ, dịch vụ điện toán đám mây cũng một trong số đó.

Đại dịch đang đẩy nhanh tốc độ ứng dụng điện toán đám mây“. Đây là nhận định của ông Connor McNamara – Tổng giám đốc AWS ở khu vực ASEAN.

Khó khăn thúc đẩy ứng dụng công nghệ.

Đại dịch Covid-19 rõ ràng đang để lại hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế của nhiều khu vực trên thế giới. Thế nhưng ở một góc độ khác, nó cũng tạo ra cơ hội và điều kiện để đẩy mạnh nhiều hình thức phát triển công nghệ, mà điển hình là ứng dụng điện toán đám mây trong các hoạt động của doanh nghiệp.

Theo nghiên cứu của Amazon Web Services (AWS), các doanh nghiệp có thể rút ngắn khoảng 2,5 tháng để khởi chạy các ứng dụng mới trên đám mây công cộng của Amazon ra thị trường, đồng thời các sản phẩm còn được cung cấp thêm 26,4% các tính năng, bản cập nhật và sửa lỗi mới cho mỗi bản phát hành.

Tương tự, báo cáo của Công ty Dữ liệu quốc tế (IDC) về Giá trị kinh doanh của việc cải thiện hiệu suất khi sử dụng nền tảng Google Cloud cũng cho thấy, mỗi khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng đám mây công cộng của Google có thể đạt được lợi ích trung bình khoảng 1,09 triệu USD.

Số tiền lợi ích này chủ yếu đến từ việc cải thiện tính nhanh nhạy của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, khả năng mở rộng, tính linh hoạt và chức năng nền tảng tích hợp khác; từ đó giúp tối đa hóa năng suất và thời gian làm việc của doanh nghiệp.

Lấy thí dụ như Cơ quan dịch vụ công Hoa Kỳ (GSA), sau khi chuyển cổng thông tin USA.gov sang một máy chủ lưu trữ dựa trên đám mây, GSA có thể giảm thời gian nâng cấp trang web từ chín tháng xuống còn một ngày.

Ngoài ra, thời gian ngừng hoạt động hàng tháng được cải thiện từ hai giờ lên mức khả dụng 99,9%. Từ đó, cơ quan này đã tiết kiệm được 1,7 triệu USD cho các dịch vụ lưu trữ.

“Đại dịch đang đẩy nhanh tốc độ ứng dụng điện toán đám mây”. Đây là nhận định của ông Connor McNamara – Tổng giám đốc AWS ở khu vực ASEAN.

Doanh nghiệp thành công nhờ chuyển hướng linh hoạt

Chia sẻ tại buổi thảo luận “AWS và Xu hướng chuyển đổi lên đám mây của khu vực ASEAN” ngày 30/6, ông Connor McNamara đề cập tới việc doanh nghiệp ngày nay đã “không còn nói về chuyện tại sao nên dùng điện toán đám mây, mà chuyển sang nói sử dụng điện toán đám mây như thế nào hiệu quả”.

Điều đáng chú ý là doanh nghiệp Việt cũng không bỏ qua trào lưu này. Tại Việt Nam, ngân hàng Techcombank từ nhiều tháng qua đã xây dựng một Học viện về điện toán đám mây để tự đào tạo cho nhân viên các cấp.

Trong khi đó, FPT – đơn vị đạt cấp độ chứng chỉ đối tác Premier của AWS, cũng đang tổ chức rất nhiều khóa đào tạo nâng cao kỹ năng của nhân viên về điện toán đám mây trong vòng 12 tháng qua.

Trong khu vực, hãng hàng không Singapore Airlines cũng có những chương trình đào tạo trên môi trường điện toán đám mây của AWS để chuẩn bị cho tất cả mọi người các kỹ năng cần thiết.

Bằng cách ứng dụng linh hoạt nền tảng đám mây, ông Connor cho rằng các doanh nghiệp có thể nâng cao độ ổn định trong khâu tổ chức, từ đó giúp họ điều hướng hoặc chuyển sang các mô hình hoạt động kinh doanh một cách phù hợp trong đại dịch.

Đại diện của AWS lấy thí dụ về một công ty bảo hiểm ở Singapore đã thử triển khai hệ thống của họ trên nền tảng Amazon Connect trong vỏn vẹn có 48 giờ.

Kết quả là công ty này đã ngay lập tức có thể triển khai và đi vào hoạt động một trung tâm dịch vụ khách hàng (contact center) ở trên môi trường điện toán đám mây – điều mà họ rất khó hình dung khi phải đối mặt với đại dịch.

Một thí dụ khác là về công ty NAB (Not A Basement Studio), khi họ cho biết có thể rút ngắn khoảng thời gian triển khai nội dung trước đây từ 4 ngày xuống còn vài giờ, và chi phí bảo trì, bảo dưỡng giảm xấp xỉ 50%.

Trans – một công ty cung cấp dịch vụ hội nghị truyền hình trên nền tảng điện toán đám mây của Việt Nam cũng là một minh chứng cho thấy sự thành công nhờ ứng dụng điện toán đám mây trong thời gian qua.

Theo chia sẻ từ đối tác, đơn vị này đã có thể phát triển tập khách hàng từ 1.000 lên con số 450.000 chỉ trong vòng vài ngày khi đại dịch Covid-19 diễn ra, với đối tượng chủ yếu là học sinh, sinh viên, giáo viên sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Trong lĩnh vực y tế, các tổ chức như Dr. Anywhere, Dr. Raksa, Halodoc… ở khu vực Đông Nam Á cũng đã nhanh chóng triển khai những giải pháp của họ trên nền tảng điện toán đám mây và tăng trưởng đáng kinh ngạc.

Dẫu vậy, vấn đề về dữ liệu, thông tin khi được xử lý trên điện toán đám mây vẫn còn đang gặp một số vấn đề, chủ yếu đến từ sự xung đột giữa hệ thống pháp luật giữa các quốc gia, làm gián đoạn dòng chảy dữ liệu, thông tin xuyên biên giới.

Nhìn chung, đây là một vấn đề nan giải đối với các nhà cung cấp dịch vụ vì tính độc lập về không gian địa lý là cốt lõi của công nghệ này.

Đánh giá bài viết!
[0/5 - (0 Votes)]